Thiết kế và phát triển Douglas A-3 Skywarrior

Vào đầu Thế Chiến II, Hải quân Mỹ bắt đầu khảo sát khái niệm máy bay phản lực hoạt động trên tàu sân bay. Sự chiến thắng đã khuyến khích việc tiếp tục phát triển khái niệm này, và vào đầu những năm sau chiến tranh Hải quân bắt đầu xem xét máy bay phản lực như là phương tiện hoạt động từ tàu sân bay, những chiếc máy bay đủ lớn có khả năng ném bom chiến lược.

Vào tháng 1 năm 1948, Tư lệnh Hành quân Hải quân công bố một gói thầu phát triển một kiểu máy bay tấn công tầm xa hoạt động trên tàu sân bay có khả năng mang 4.500 kg (10.000 lb) bom hay một vũ khí nguyên tử [2]. Hợp đồng được Hải quân giao cho Douglas Aircraft Company vào ngày 29 tháng 9 năm 1949 dẫn đến việc phát triển và sản xuất chiếc A3D Skywarrior. Nó được thiết kế bởi Ed Heinemann, cũng là nhà thiết kế nổi tiếng trên kiểu A-4 Skyhawk. Chiếc nguyên mẫu XA3D-1 bay chuyến bay đầu tiên vào ngày 28 tháng 10 năm 1952.

Một số vấn đề đáng kể trong phát triển, hầu hết là với kiểu động cơ nguyên thủy, đã trì hoãn việc sản xuất chiếc Skywarrior cho đến tận mùa Xuân năm 1956. Cho đến lúc đó, chiếc A-3 là chiếc máy bay to nhất và nặng nhất từng được thiết kế để hoạt động thường xuyên trên tàu sân bay, cho dù điều khôi hài là nó chỉ là phần nhỏ nhất được bố trí trên những chiếc tàu sân bay lớn nhất vốn còn chưa được đưa vào hoạt động. Để chứa được dưới hầm tàu, cánh của chiếc A-3 được gấp lên trên bên ngoài các động cơ nằm sát xuống, và cánh đuôi được gấp sang phải [2]. Do kích thước cồng kềnh và kiểu dáng không được thon thả, nó được đặt tên lóng là "The Whale" (Cá Voi), và sau khi được chuyển đổi sang vai trò chiến tranh điện tử, nó trở thành "The Electric Whale" (Cá Voi Điện). Việc sản xuất được chấm dứt vào năm 1961.

Mô tả kỹ thuật

Chiếc Skywarrior có kiểu cánh xuôi 36° và hai động cơ turbo phản lực Pratt & Whitney J57. Mặc dù những chiếc nguyên mẫu đã sử dụng kiểu động cơ được dự định Westinghouse J40, việc phát triển tỏ ra có nhiều trục trặc và sau đó bị hủy bỏ. Các động cơ phản lực có thể được bổ trợ thêm về lực đẩy bởi 12 rocket JATO cung cấp thêm 4.500 lbf (20 kN) lực đẩy mỗi cái, cho phép cất cánh từ những tàu sân bay không có máy phóng. Chiếc máy bay có kết cấu thân thông thường kiểu nữa thân đơn, và các động cơ được bố trí trong các vỏ dưới cánh. Cơ cấu điều khiển bay được vận hành bằng thủy lực, và cả cánh lẫn cánh đuôi đứng đều có thể gấp được để chứa trên tàu sân bay. Các thùng nhiên liệu bên trong rộng rãi cho phép có tầm bay khá xa.

Các phiên bản A-3 đầu tiên có một đội bay gồm ba người: phi công, hoa tiêu/ném bom và xạ thủ súng. Một kiểu cấu hình khoang lái khác thường bố trí ba thành viên đội bay cùng chung trong một khung nóc buồng lái. Trong ngăn trước được nâng cao, phi công và hoa tiêu/ném bom ngồi cạnh nhau, phi công phía bên trái với đầy đủ các điều khiển bay; trong khi thành viên thứ ba là xạ thủ ngồi xoay lưng lại hướng ra phía sau. Các phiên bản phản công điện tử sau này có một đội bay gồm bảy người, trong đó đội bay chính gồm ba người: phi công, phi công phụ, hoa tiêu và bốn sĩ quan vận hành các hệ thống điện tử bố trí trong khoang máy bay rộng rãi.[2].

Những nỗ lực nhằm giảm trọng lượng máy bay đã đưa đến việc loại bỏ các ghế phóng trong quá trình thiết kế, dựa trên giả định rằng đa số các chuyến bay sẽ thực hiện trên tầm cao. Một cách bố trí tương tự với một đường hầm thoát ra đã được sử dụng trên chiếc F3D Skyknight. Các đội bay bắt đầu châm biếm rằng tên hiệu "A3D" là viết tắt của "All Three Dead" (cả ba cùng chết).[3] Tài liệu ghi nhận về những trục trặc kỹ thuật cho thấy số trục trặc cao hơn mức trung bình. Cho dù có những bài báo trên các tạp chí phỏng đoán những vấn đề về an toàn đã gán ghép việc bố trí các phi công yếu hơn lái những chiếc máy bay phản lực chậm hơn như kiểu A-3, vào thời hoàng kim của nó, phi công lái Skywarrior thường là những người "tốt nhất trong số tốt nhất", do vai trò tấn công hạt nhân mang tính thiết yếu của nó.[4]

Chiếc Skywarrior có thể mang đến 5.443 kg (12.000 lb) vũ khí bên trong khoang bom giữa thân, sau này được sử dụng cho các thiết bị cảm biến và máy ảnh hoặc các thùng nhiên liệu bổ sung. Một hệ thống hướng dẫn ném bom AN/ASB-1A cũng được trang bị vào lúc đầu, sau đó được thay thế bằng phiên bản cải tiến AN/ASB-7 với mũi máy bay được sửa đổi lại. Vũ khí phòng thủ là hai khẩu pháo 20 mm bố trí trong một tháp súng đuôi điều khiển bằng radar được thiết kế bởi Westinghouse, nhưng thường được tháo bỏ để gắn một bộ đuôi mang đặc tính khí động học tốt hơn. Trong khi có một số phi vụ ném bom được thực hiện vào giai đoạn đầu của Chiến tranh Việt Nam, đa số các hoạt động ném bom được thực hiện bởi những chiếc máy bay cường kíchmáy bay tiêm kích-ném bom nhanh nhẹn hơn, và chiếc Skywarrior đa số chỉ phục vụ như là máy bay tiếp dầu và máy bay hỗ trợ chiến tranh điện tử.